Nguyễn Văn Thành, Trần Viết Hồi - Trung tâm Hợp tác doanh nghiệp
1. Đặt vấn đề
Hợp tác giữa Nhà trường với Doanh nghiệp để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động là một trong những nhiệm vụ quan trọng đối với các cơ sở đào tạo nói chung, các trường đại học nói riêng hiện nay. Theo số liệu báo cáo điều tra lao động việc làm năm 2019 của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ lao động có trình độ từ Đại học trở lên thất nghiệp tương đối cao chiếm tới 14,9% trong tổng số người thất nghiệp, lý do có thể chưa tìm được công việc phù hợp với nhu cầu và chuyên ngành được đào tạo [1]. Khi điều tra việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp của 05 trường Đại học ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam của Việt Nam trong khuôn khổ Dự án EV – EVENT cho biết, thời gian trung bình để sinh viên sau khi tốt nghiệp tìm được việc làm khoảng 03 tháng và khó khăn chủ yếu khi tìm việc làm do thiếu thực tiễn và kinh nghiệm chuyên môn [2]. Sinh viên mất một khoảng thời gian khá lớn để tìm và làm quen với công việc sau khi ra trường theo một nghiên cứu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Điều này do sự hợp tác giữa Nhà trường với các doanh nghiệp chưa thực sự tốt do vậy doanh nghiệp phải dành thời gian và chi phí cho việc đào tạo thêm từ 03 đến 06 tháng dẫn đến sự lãng phí về nguồn lực, thời gian cho cả doanh nghiệp và xã hội. Chính sách của Nhà nước về phát triển giáo dục đại học được quy định trong Luật số 34/2018/QH14 về Luật giáo dục đại học sửa đổi có hiệu lực từ ngày 01/7/2019 xác định rõ việc đẩy mạnh hợp tác giữa cơ sở giáo dục đại học với doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp tham gia quá trình đào tạo góp phần nâng cao chất lượng đào tạo [3]. Tuy nhiên, trên thực tế các doanh nghiệp mới chỉ tham gia mức độ rất hạn chế vào quá trình đào tạo của các Nhà trường, ví dụ như: tiếp nhận thực tập, tuyển dụng khi có nhu cầu. Trước thực tế đó, mô hình hợp tác giữa Nhà trường và Doanh nghiệp để đào tạo thêm cho sinh viên các kiến thức còn thiếu theo nhu cầu của doanh nghiệp cần được nghiên cứu và triển khai để vừa nâng cao chất lượng đào tạo, tăng tỷ lệ tìm được việc làm và đặc biệt là sinh viên ra trường có thể tham gia vào ngay chuỗi sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Với bề dày truyền thống, trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã khẳng định là một trong những cơ sở giáo dục đào tạo theo định hướng ứng dụng uy tín của cả nước. Nhà trường phát triển quan hệ với doanh nghiệp trên phương châm “đôi bên cùng có lợi”, hiện nay trường hợp tác với trên 2000 tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước [4,5]. Đó cũng là nền tảng để Nhà trường cùng với Doanh nghiệp xây dựng mô hình hợp tác cùng đào tạo sinh viên trước khi tuyển dụng.
2. Quy trình triển khai
Các chương trình hợp tác đào tạo sinh viên trước khi tuyển dụng được Nhà trường và Doanh nghiệp xây dựng và triển khai dựa trên yêu cầu của doanh nghiệp và khả năng đáp ứng của Nhà trường với sự tham gia của đội ngũ chuyên gia kỹ thuật đến từ doanh nghiệp và các giảng viên của trường từ đầu vào đến tổ chức đào tạo và đầu ra của chương trình. Quy trình được thể hiện như hình 1 dưới đây:
Hình 1. Quy trình triển khai chương trình hợp tác đào tạo sinh viên trước tuyển dụng
Lợi ích của chương trình hơp tác đào tạo sinh viên trước tuyển dụng:
- Đối với doanh nghiệp: lựa chọn được nguồn nhân lực chất lượng, phát triển tài năng dựa trên năng lực của sinh viên, tiết kiệm được chi phí, thời gian đào tạo lại sau khi tuyển dụng, sinh viên sau khi ra trường có thể đáp ứng ngay công việc tại doanh nghiệp.
- Đối với Nhà trường: nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cường hội nhập, giảng viên được tiếp cận với hệ thống trang thiết bị, máy móc hiện đại của doanh nghiệp thông qua các chuyến tham quan, làm việc, tỷ lệ sinh viên làm đúng ngành tăng đồng thời nâng cao vị thế của Nhà trường.
- Đối với sinh viên: định hướng nghề nghiệp rõ ràng từ đó phát huy trí tuệ và sự say mê cố gắng trong học tập, được tài trợ kinh phí, tiếp cận với môi trường sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và có việc làm phù hợp ngay sau khi tốt nghiệp.
3. Kết quả thực hiện
Với kinh nghiệm thu được qua quá trình triển khai thực hiện các Dự án hợp tác quốc tế tại trường ĐHCN Hà Nội như Dự án phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật tại trường Đại học công nghiệp Hà Nội (Dự án JICA), Dự án đào tạo nguồn nhân lực gia công cơ khí chính xác (Dự án HaUI – Foxconn),… cùng với năng lực đội ngũ giảng viên và hệ thống cơ sở vật chất tiên tiến, hiện đại, Nhà trường đã chủ động trao đổi, hợp tác với doanh nghiệp triển khai nhiều chương trình hợp tác đào tạo trước tuyển dụng hiệu quả mang lại lợi ích kép cho nhà trường, doanh nghiệp và đặc biệt là các em sinh viên. Các chương trình hợp tác thường xuyên được các bên quan tâm trao đổi, rà soát đánh giá, cải tiến nâng cao chất lượng, mở rộng và phát triển mô hình. Một số chương trình hợp tác với doanh nghiệp đào tạo trước tuyển dụng điển hình như sau:
3.1. Chương trình hợp tác đào tạo “Lớp kỹ sư trình độ cao”
Chương trình là kết quả hợp tác giữa Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội với công ty TNHH Nissan Automative Technology và công ty TNHH Pasona Tech Việt Nam với mục đích phát triển tài năng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và từng bước đưa nội dung kiến thức, kỹ thuật thực tế của doanh nghiệp vào chương trình đào tạo.
Hình 2. Ký thỏa thuận hợp tác đào tạo lớp kỹ sư trình độ cao với doanh nghiệp
Chương trình được triển khai bắt đầu từ năm 2013, các sinh viên tham gia chương trình được đào tạo tiếng Nhật, chuyên môn thiết kế linh kiện ô tô theo yêu cầu của doanh nghiệp song song với đào tạo chính khóa tại trường, có thời gian khoảng 3 tháng được đạo tạo trực tiếp theo quy trình sản xuất tại công ty. Sinh viên tham gia chương trình được công ty tài trợ toàn bộ kinh phí đào tạo, cấp học bổng. Kết thúc chương trình các sinh viên tốt nghiệp và hoàn thành chương trình đào tạo của doanh nghiệp được tuyển dụng vào làm việc. Hàng năm có khoảng 70 sinh viên các ngành Cơ khí, Điện, Điện tử, Công nghệ thông tin và Hóa học tham gia chương trình.
3.2. Chương trình hợp tác đào tạo “Lớp kỹ sư chuyên ban”
Tập đoàn KHKT Hồng Hải (Foxconn) là một trong những Tập đoàn lắp ráp linh kiện, thiết bị điện tử lớn nhất trên thế giới và có Dự án hợp tác với Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội từ năm 2008 đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc và triển khai đào tạo Trung tâm đào tạo kỹ thuật HaUI – Foxconn về gia công khuôn mẫu. Nhằm đáp ứng hơn nữa nhu cầu nguồn nhân lực trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, Tập đoàn Foxconn cùng với Nhà trường xây dựng chương trình đào tạo “Lớp kỹ sư chuyên ban” dành cho sinh viên năm thứ 3 và thứ 4 và được triển khai tuyển sinh và đào tạo từ năm 2016.
Hình 3. Lãnh đạo Tập đoàn KHKT Hồng Hải giải thích cho sinh viên chương trình lớp kỹ sư chuyên ban
Tham gia chương trình, sinh viên được Tập đoàn Foxconn tài trợ toàn bộ kinh phí đào tạo tiếng Trung, chuyên môn theo yêu cầu của doanh nghiệp và học phí đào tạo chính khóa, học bổng khuyến khích theo học kỳ, được bố trí thời gian đào tạo trực tiếp trên dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp theo vị trí việc làm tuyển dụng được trả lượng như nhân viên thử việc. Hàng năm có khoảng 80 sinh viên tham gia chương trình và được tuyển dụng vào làm việc tại Tập đoàn KHKT Hồng Hải.
3.3. Chương trình hợp tác thực tập kết hợp tuyển dụng “Học bổng kỹ thuật Samsung”
Với chương trình “Học bổng kỹ thuật Samsung”, đối tượng tham dự là các sinh viên Cao đẳng các nghề kỹ thuật chuẩn bị đi thực tập tốt nghiệp. Samsung tuyển chọn sinh viên và đào tạo sinh viên trong vòng 3 tháng tại công ty.
Hình 4. Sinh viên tham dự Hội thảo giới thiệu chương trình học bổng kỹ thuật Samsung
Nhà trường phối hợp với Samsung để cùng theo dõi, hướng dẫn, đánh giá kết quả sinh viên tham gia chương trình. Sinh viên được cấp học bổng và trả lương trong thời gian 03 tháng đào tạo tại công ty, được nhà trường công nhận học phần thực tập tốt nghiệp và được tuyển dụng chính thức vào làm việc tại Samsung sau khi tốt nghiệp. Chương trình đã được Nhà trường phối hợp với Samsung triển khai từ năm 2015, số lượng theo nhu cầu từng năm của công ty, năm 2017 có gần 600 sinh viên tham gia chương trình này.
3.4. Chương trình hợp tác tuyển dụng, đào tạo sinh viên làm việc tại Nhật Bản
Ngoài các chương trình hợp tác đào tạo sinh viên trước tuyển dụng làm việc tại các công ty ở trong nước, Nhà trường hợp tác với các doanh nghiệp tại Nhật Bản để đào tạo và tuyển dụng trực tiếp sinh viên sang làm việc tại Nhật Bản.
Hình 5. Đoàn công tác Nhà trường thăm địa điểm sinh viên làm việc tại Nhật Bản
Sau khi vượt qua kỳ thi kiểm tra kiến thức, tư duy và thái độ của doanh nghiệp, sinh viên được tuyển chọn tham gia chương trình và được đào tạo tiếng Nhật, văn hóa và kỹ năng làm việc. Kết thúc khóa đào tạo, sinh viên đáp ứng yêu cầu được sang Nhật Bản làm việc và hưởng lương như người Nhật, toàn bộ kinh phí đào tạo, thủ tục sang Nhật Bản làm việc do doanh nghiệp tri trả. Hàng năm có trên 100 sinh viên tham gia chương trình, một số doanh nghiệp điển hình hợp tác đào tạo, tuyển dụng trực tiếp sinh viên làm việc tại Nhật Bản như: công ty Minami Fuji, O-OKA, Revo, Clay Việt Nam, …
4. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả chương trình hợp tác đào tạo sinh viên trước tuyển dụng
Để tiếp tục duy trì hiệu quả và nhân rộng mô hình hợp tác đào tạo sinh viên trước tuyển dụng, một số các giải pháp đặt ra cho các cơ sở đào tạo phù hợp với thời kỳ mới như sau:
- Tăng cường truyền thông, quảng bá về chương trình đến các doanh nghiệp trong quá trình tiếp xúc, gặp gỡ; giới thiệu rộng rãi đến sinh viên, kể cả sinh viên năm thứ nhất, thứ hai biết về chương trình để có định hướng, lựa chọn, chuẩn bị các điều kiện cần thiết khi tham gia.
- Tạo điều kiện tốt về cơ sở vật chất, tăng cường phối hợp giữa các đơn vị trong trường trong việc quản lý, hỗ trợ sinh viên, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc cho sinh viên tham gia chương trình.
- Nghiên cứu đưa nội dung đào tạo của doanh nghiệp vào chương trình đào tạo chính khóa; phối hợp giữa Nhà trường và doanh nghiệp để giao đề tài, đồ án tốt nghiệp gắn với vị trí việc làm của sinh viên tại doanh nghiệp, giúp sinh viên vừa hoàn thành đồ án vừa trau dồi kiến thức, kỹ năng công việc tại doanh nghiệp.
5. Kết luận
Có thể nói, chương trình hợp tác đào tạo sinh viên trước tuyển dụng là mô hình hợp tác cho thấy sự gắn kết và đồng hành giữa Nhà trường và Doanh nghiệp trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Để duy trì và phát triển các chương trình hợp tác đào tạo trước tuyển dụng cần thiết đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của cả Nhà trường và Doanh nghiệp đồng thời tăng cường sự hỗ trợ, giám sát trong quá trình triển khai để tất cả các sinh viên có thể hoàn thành chương trình và vào làm việc chính thức tại doanh nghiệp. Trên cơ sở các kết quả đạt được, Nhà trường đang từng bước tiếp tục nghiên cứu, cải tiến chương trình, phát triển mở rộng cho các đối tượng sinh viên năm thứ nhất, thứ hai, hướng tới mô hình hợp tác nhà trường – doanh nghiệp cùng thiết kế, triển khai các khóa đào tạo chính quy theo đặt hàng của doanh nghiệp.
Tài liệu tham khảo:
[1] Tổng cục Thống kê “Báo cáo Điều tra lao động việc làm năm 2019”.
[2] Dự án EV – EVENT ‘’Việc làm và gia nhập thị trường lao động của sinh viên Việt Nam sau khi tốt nghiệp’’ – NXB ĐHKTQD, 2020.
[3] Luật số 34/2018/QH14, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục Đại học có hiệu lực từ ngày 01/7/2019 của Quốc hội Việt Nam, 2018
[4] https://www.haui.edu.vn/vn/goc-nhin-haui/hop-tac-nha-truong-doanh-nghiep-gop-phan-nang-cao-chat-luong-nguon-nhan-luc-trong-thoi-ky-cach-mang-cong-nghiep-4-0/.
[5] http://tsc.edu.vn/tin-tuc/-/content/1046433/hoi-thao-khoa-hoc-mo-hinh-du-bao-nhu-cau-dao-tao-trinh-do-dai-hoc-nhom-nganh-ky-thuat-cong-nghe-den-nam-2025-tam-nhin-den-nam-2030-tai-viet-nam/.
Các tin đã đưa:
» Đánh giá của sinh viên cao đẳng về các chuyến tham quan doanh nghiệp trong tháng 8 năm 2022 (20/09/2022)
» Kết nối Nhà trường và Doanh nghiệp - đào tạo nhân lực chất lượng cao (19/07/2022)
» Chương trình hợp tác giữa Nhà trường và Doanh nghiệp (25/08/2019)