Để kiến tạo quốc gia hùng cường, phồn thịnh, Đảng và Nhà nước ta đã thiết lập hệ thống chính sách hữu hiệu, đồng bộ trên nhiều lĩnh vực nhằm hướng tới mục tiêu cao cả, trên hết là vì con người, lấy con người có kỹ năng nghề làm trung tâm của quá trình kiến tạo. Con người là nguồn lực quốc gia cho nên việc phát triển con người (nguồn nhân lực) là nhiệm vụ then chốt, quyết định thành công của sự nghiệp kiến tạo đất nước. Trong các hệ thống chính sách vì con người có chính sách đánh giá kỹ năng nghề.
80 NGHÌN LƯỢT NGƯỜI LAO ĐỘNG ĐƯỢC ĐÁNH GIÁ KỸ NĂNG NGHỀ
Đánh giá kỹ năng nghề là khâu quan trọng của quá trình quản lý nguồn nhân lực nói chung, đào tạo nghề nghiệp nói riêng. Chính sách này giữ vai trò cầu nối, thu hẹp dần khoảng cách giữa đào tạo và sử dụng dựa trên hệ thống đo lường chính xác, khách quan.
Chính sách đánh giá kỹ năng nghề lần đầu tiên được quy định tại Chương 7, 8 của Luật Dạy nghề năm 2006. Đến năm 2013, định chế này được tách ra khỏi Luật Dạy nghề để quy định tại Chương 4 của Luật Việc làm, sự kiện đã đánh dấu, khẳng định vị trí độc lập, vai trò quan trọng của chính sách đối với chất lượng giáo dục nghề nghiệp và phát triển nguồn nhân lực.
Khảo sát chính sách đánh giá kỹ năng nghề mang ba đặc trưng cơ bản.
Đặc trưng đầu tiên, đó là chính sách mang tính đặc thù, hình thành một hệ thống đánh giá dựa trên chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, hướng tới mục tiêu đánh giá cho mọi đối tượng người lao động trong xã hội (luật hiện hành mới chỉ áp dụng thực hiện đánh giá đối với một số đối tượng và công việc nhất định). Đánh giá cho người lao động cả trong khu vực lao động chính thức, lao động phi chính thức, đặc biệt thực hiện đánh giá cho cả đối tượng người lao động chưa qua đào tạo.
Đặc trưng thứ hai, phương thức đánh giá kỹ năng nghề mang tính linh hoạt cao, diễn ra liên tục tại các thời điểm cụ thể trong năm, được tổ chức ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước giúp người dân dễ dàng tham gia các kỳ thi đánh giá.
Đặc trưng thứ ba, chính sách đánh giá kỹ năng nghề là giải pháp hữu hiệu để giải quyết các vấn đề xã hội nảy sinh, đe dọa con người, cộng đồng xã hội, góp phần mang lại các lợi ích kinh tế cho đất nước và đảm bảo an toàn, sinh kế cho người dân.
Về thực hiện chính sách, theo số liệu của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, có 52 tổ chức được cấp phép hoạt động đánh giá kỹ năng nghề theo Luật Việc làm, hình thành nên hệ thống mạng lưới phân bố đồng đều ở các miền trong cả nước. Đồng thời, đã thiết lập được 200 bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, ngân hàng đề ở 96 nghề.
Tính đến nay, hệ thống đã thực hiện đánh giá cho gần 80 nghìn lượt người lao động ở các lĩnh vực của nền kinh tế, góp phần cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cho các ngành, nghề đòi hỏi yêu cầu cao về tay nghề, an toàn sức khỏe cho người dân và cộng đồng xã hội.
Những kết quả đạt được đã khẳng định vai trò, sự cần thiết của hệ thống đánh giá kỹ năng nghề không chỉ đối với hoạt động đào tạo nghề nghiệp mà cả trong hoạt động tuyển dụng, sử dụng người lao động, góp phần ổn định, phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong từng giai đoạn khác nhau. Việc thực hiện đánh giá kỹ năng nghề thời gian qua là giải pháp hữu hiệu, giúp ứng phó, khôi phục nền kinh tế đất nước trong và sau đại dịch Covid-19. Điều này thể hiện rõ nét ở đích đến của chính sách là đảm bảo an toàn, duy trì việc làm, thu nhập cho người lao động trong xã hội.
Hệ thống đánh giá kỹ năng nghề cùng với hệ thống giáo dục nghề nghiệp thực hiện sứ mệnh chung là đảm bảo, duy trì và phát triển chất lượng đào tạo nghề nghiệp, cung cấp lực lượng lao động có tay nghề cao cho nền kinh tế. Chính sách này của Việt Nam hoàn toàn phù hợp với khung hướng dẫn các biện pháp khẩn cấp ứng phó Covid-19 của Liên hợp quốc ứng phó và phục hồi kinh tế trước, sau đại dịch. Các chính phủ phải tập trung vào bảo vệ việc làm, doanh nghiệp vừa và nhỏ và người lao động trong khu vực chính thức và phi chính thức nhằm giữ bình ổn, từng bước phục hồi nền kinh tế.
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 10-2023 phát hành ngày 06-03-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam
Nguồn: https://vneconomy.vn/
Các tin đã đưa:
» Đánh giá thí điểm kỹ năng nghề May công nghiệp (14/11/2020)
» Đánh giá kỹ năng nghề quốc gia tháng 11 năm 2019 (13/11/2019)
» Đánh giá kỹ năng nghề quốc gia tháng 8 năm 2019 (17/06/2019)
» Tham khảo đề thi thực hành hoạt động đánh giá kỹ năng nghề quốc gia (22/05/2019)
» Đánh giá kỹ năng nghề quốc gia tháng 5 năm 2019 (03/04/2019)